Việc giao tiếp và trao đổi thường xuyên trên các nền tảng trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và được gọi là Zoom fatigue.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) đã tạo ra thang đo Zoom Exhaustion and Fatigue (ZEF) để nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của các cuộc họp trực tuyến đến sức khỏe tinh thần và tâm trạng của chúng ta.
Dấu hiệu nhận biết Zoom fatigue
Dịch bệnh Covid-19 diễn ra không chỉ gây những ảnh hưởng xấu về mặt thể chất mà còn cả về tinh thần của chúng ta.
Cũng giống như tình trạng kiệt sức do áp lực công việc, Zoom fatigue cũng khiến chúng ta mệt mỏi và uể oải trước những cuộc họp và trao đổi trực tuyến.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết Zoom fatigue được NBC News tổng hợp:
- Cảm thấy mệt mỏi với các cuộc gọi hoặc cuộc họp trực tuyến.
- Khi kết thúc công việc, bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.
- Không giữ được tập trung khi tham gia họp.
- Ăn quá nhiều, đổ mồ hôi hoặc bồn chồn trong khi gọi hoặc họp trực tuyến.
- Lo lắng khi phải mở camera hoặc webcam khi họp và trò chuyện trực tuyến.
- Mỏi mắt.
- Thường xuyên đau đầu và mệt mỏi.
Tại sao việc trò chuyện và trao đổi trực tuyến khiến chúng ta mệt mỏi?
Theo Healthline, cảm giác mệt mỏi này không phải do tưởng tượng mà chúng có thật khi ta phải tham gia quá nhiều các cuộc họp trực tuyến. Một số yếu tố gây nên tình trạng này là:
Não bộ phải hoạt động nhiều hơn
Khi trao đổi trực tuyến, chúng ta cần phải tăng sự tập trung để tiếp nhận thông tin và phán đoán thái độ của đối phương. Thông qua màn hình máy tính, ta sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đoán và nắm bắt ý muốn của người còn lại.
Bên cạnh đó, đường truyền mạng cũng gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu thông tin. Điều này có thể làm giảm khả năng diễn giải câu chuyện của bạn cho người khác.
Cân bằng cuộc sống
Trước đây, tại văn phòng, ta sẽ có không gian riêng để làm việc mà không sợ ai làm phiền. Các cuộc họp diễn ra tại công ty cũng đảm bảo tính riêng tư.
Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại nhà và phải trao đổi trực tuyến, nhiều người sống cùng gia đình gặp khó khăn khi phải cân bằng giữa nhà và nơi làm việc. Chính điều này cũng có thể làm giảm chất lượng làm việc của mỗi cá nhân.
Nguyên nhân gây ra Zoom fatigue và cách khắc phục
Giáo sư Jeremy Bailenson của đại học Stanford - người đầu tiên thực hiện nghiên cứu về Zoom fatigue cho rằng có 4 nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
Hoạt động mắt ở cường độ cao và khoảng cách gần
Với các cuộc họp thông thường, mắt chúng ta không tập trung vào một điểm mà có thể đảo mắt nhìn xung quanh hoặc cúi xuống ghi chép.
Tuy nhiên, mắt ta phải tập trung nhìn vào màn hình máy tính khi tham gia các cuộc họp trực tuyến.
Ngoài ra, việc nhìn cận cảnh hay bị người khác nhìn thẳng vào mình cũng khiến chúng ta căng thẳng hơn. Bailenson cho biết: "Việc nhiều người cùng lúc nhìn chằm chằm vào mình đã trở thành nỗi sợ của xã hội".
Giải pháp: GS. Bailenson khuyên rằng, bạn nên thu nhỏ khung cửa sổ hội thoại để cảm thấy thoải mái hơn khi họp trực tuyến.
Nhìn thấy bản thân quá nhiều trong các cuộc họp
Các nền tảng trực tuyến đều cho phép hiển thị hình ảnh cá nhân bạn khi tham gia cuộc họp. Bailenson cho rằng, việc phải nhìn thấy chính mình thường xuyên sẽ khiến bạn sinh ra tâm lý tự đánh giá và đem lại cảm xúc tiêu cực.
Giải pháp: Để tránh được tình trạng này, bạn có thể chọn chế độ ẩn đi hình ảnh cá nhân khi ở trong các cuộc họp.
Hạn chế việc di chuyển vì trao đổi trực tuyến
Chúng ta có thể di chuyển khi tham gia các cuộc trò chuyện trực tiếp. Nhưng với các cuộc trao đổi trực tuyến, bạn buộc mình phải cố định với màn hình máy tính ở một vị trí trong thời gian dài.
Giải pháp: Chuyển sang chế độ gọi thoại để bạn có thể đi lại xung quanh nhà mình. Điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và nhức mỏi cơ thể do ngồi lâu.
Hệ nhận thức của chúng ta bị quá tải
Theo Bailenson, khi trò chuyện trực tiếp, các hành động và biểu cảm của chúng ta diễn ra một cách rất tự nhiên và có sẵn trong tiềm thức.
Ông cho rằng, ở những cuộc họp trực tuyến, chúng ta thường xuyên phải chú ý đến cử chỉ, động tác để đối phương biết rằng mình đã hiểu.
Đôi khi, bạn còn phải căn góc ngồi và điều chỉnh tư thế sao cho gương mặt nằm ở giữa khung hình để người trong cuộc họp dễ dàng quan sát. Những điều này khiến bạn phải sử dụng nhiều calo hơn khi giao tiếp.
Giải pháp: Tắt bớt các khung hình của người khác khi họp để bản thân không còn quá áp lực về việc bị người khác nhìn thấy.
Zing_❃___